Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp.Theo khuyến cáo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường, thậm chí dễ dẫn đến biến chứng giả tiểu cầu gây xuất huyết nặng, viêm phổi cấp hay suy đa tạng, nhất là đối với những người mắc bệnh nền.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 30/9/2023 Thủ đô đã ghi nhận 2.578 ca sốt xuất huyết mới tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Đây cũng là thời gian có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay. Theo dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ rơi vào tháng 10 và tháng 11. Với diễn biến thời tiết như hiện nay, nhiệt độ hàng ngày dao động khoảng 26 – 320C, là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi, kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch, nhiều ca mắc, do vậy dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh lớn tại nhiều địa phương. Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, vậy nên biện pháp tốt nhất là phòng dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, thực hiện Công văn số 3653/SLĐTBXH-VP ngày 31/8/2023 của Sở LĐTBXH về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội đã nghiêm túc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
– Xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt trú trọng triển khai các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết.
– Tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, học viên nhận biết các dấu hiệu bệnh khi mắc sốt xuất huyết; Các biện pháp phòng, chống dịch SXH; Dán các khuyến cáo tại bảng tin, các đội, nhà ăn, phòng học…
– Cắt lịch tổng vệ sinh môi trường đến mỗi phòng ban, huy động các bộ phận chủ động công tác dọn dẹp, thu gom, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh; Hủy bỏ các vật dụng phế thải trong buồng ở và xung quanh nơi làm việc; Lật úp các vật dụng chứa nước không dùng đến là nơi sinh sản trú đậu của muỗi; Diệt lăng quăng, bọ gậy.
– Phun thuốc diệt muỗi tại buồng ở, nơi làm việc 02 lần/tuần.
– Chuẩn bị đủ thuốc, vật tư y tế, vật tư phòng dịch nhằm chủ động ứng phó khi có dịch tại đơn vị.
– Khám rà soát 100% học viên, những trường hợp có dấu hiệu sốt đưa vào phòng y tế tiếp tục theo dõi loại trừ SXH có hướng chăm sóc, điều trị.
Ảnh: Người cai nghiện được cán bộ Y tế tư vấn, chăm sóc sức khoẻ phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, đơn vị chưa phát hiện có ca bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên cán bộ, học viên tại Cơ sở luôn chủ động, nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ cho cán bộ, học viên trong toàn đơn vị.
Vì sức khỏe của mỗi gia đình và của cả cộng đồng, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 kêu gọi mỗi cán bộ, học viên hãy quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết với khẩu hiệu “Toàn đơn vị không có lăng quăng; Không có muỗi vằn; Không có sốt xuất huyết”.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CÔNG TÁC VỆ SINH, KHỬ KHUẨN, PHÒNG CHỐNG DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT TẠI ĐƠN VỊ
BBT