Thời gian gần đây, bệnh nhân đau mắt đỏ tại Hà Nội và một số tỉnh, Thành phố có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, khoảng 2 tuần qua, tại các bệnh viện ghi nhận nhiều người bị đau mắt đỏ. Nhiều trường hợp đến bệnh viện trong tình trạng biến chứng nặng.

         Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. 

          Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

           Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Một số trường hợp bệnh kéo dài lâu ngày, không khỏi gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của người bệnh. Nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

        Trước tình hình dịch đau mắt đỏ đang có diễn biến tăng mạnh tại Hà Nội. Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 đã xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp tại đơn vị để kịp thời ứng phó với bệnh đau mắt đỏ, không để lây lan trong đơn vị, nhằm đảm bảo hoạt động sinh hoạt, làm việc của cán bộ, học viên. Đặc biệt, các biện pháp đơn vị đã làm nhằm ngăn ngừa, hạn chế sự lây lan trong đơn vị, cụ thể như:

– Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của đơn vị về tình hình bệnh đau mắt đỏ, triệu chứng bệnh, hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm trong sinh hoạt.

– Cán bộ y tế phối hợp với các bộ phận triển khai rà soát, khám phát hiện cán bộ, học viên có biểu hiện mắc đau mắt đỏ tư vấn điều trị, cách ly tại khu y tế, không để dịch lan rộng trong đơn vị.

– Tăng cường tuyên truyền, thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân (thường xuyên rửa tay, sát khuẩn bằng cồn y tế…), vệ sinh ngoại cảnh.

– Thau rửa, khử khuẩn các bể, vật dụng chứa nước sử dụng hàng ngày.

– Đối với bệnh nhân đau mắt đỏ yêu cầu ngâm giặt xà phòng đồ dùng sinh hoạt (khăn mặt, vỏ gối, chăn, ga…) phơi nắng, vệ sinh buồng ở sạch sẽ.

– Phun thuốc khử trùng, khử khuẩn 03 lần/tuần tại buồng ở cán bộ, học viên. Trang cấp cho các bộ phận, các đội cồn xịt khuẩn y tế để xịt khuẩn trên các bề mặt, vật dụng sinh hoạt cá nhân.

– Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, sinh phẩm phòng, điều trị bệnh.         

Ảnh: Người cai nghiện được các Y, bác sỹ khám, điều trị đau mắt đỏ tại đơn vị

          Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, cán bộ, học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 cần thực hiện tốt 5 khuyến cáo sau:

1/ Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

2/ Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

3/ Sử dung xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4/ Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

5/ Người bệnh hoặc người nghi bị bệnh đau mắt đỏ hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CÔNG TÁC KHỬ KHUẨN, PHÒNG CHỐNG DỊCH ĐAU MẮT ĐỎ TẠI ĐƠN VỊ

BBT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *